Lập căn cứ ban đầu Mạnh Tri Tường

Tháng 6 ÂL, Hậu Đường Minh Tông ban cho Mạnh Tri Tường chức Thị trung. Tuy nhiên, Mạnh Tri Tường bắt đầu có mưu đồ cát cứ đất Thục, trong kho có 20 vạn áo giáp, lập nên 16 doanh, gồm 16.000 người, đóng ở trong ngoài nha thành. Lúc trước, Quách Sùng Thao phân kị binh Tiền Thục thành lục doanh Tả hữu kiêu vệ, gồm 3.000 lính; bộ binh phân thành 20 doanh Tả hữu ninh viễn, gồm 24.000 lính. Sau đó, Mạnh Tri Tường tăng thêm lục doanh Tả hữu xung sơn gồm 6.000 người, đóng ở trong ngoài la thành; ông cũng lập 20 doanh Tả hữu nghĩa ninh gồm 16.000 lính, phân tới các châu huyện; thiết lập tứ doanh Tả hữu lao thành, gồm 4.000 người phân ra đóng tại Thành Đô.[18]

Trong khi đó, Nhâm Hoàn trở thành một tể tướng, kiêm Tam ty, ông ta cho rằng Tây Xuyên giàu có sung túc, quyết định khiểm Diêm-thiết phán quan/Thái bộc khanh Triệu Quý Lương (趙季良)- bằng hữu trước đây của Mạnh Tri Tường- đến Tây Xuyên để đem tiền thuế và tài sản của chính quyền Tiền Thục đến Lạc Dương. Khi Triệu Quý Lương đến Thành Đô vào mùa đông năm 926, người Thục đều muốn kháng lệnh, song Mạnh Tri Tường cho phép Triệu Quý Lương dùng thuyền chở khố vật đến Lạc Dương, song từ chối nộp tiền thuế.[18] Ông cũng giữ Triệu Quý Lương ở lại Thành Đô giữ chức tiết độ phó sứ.[6]

Lúc này, Xu mật sứ An Trọng Hối (安重誨) bắt đầu nghi ngờ Mạnh Tri Tường (do chính thất có họ hàng với Hậu Đường Trang Tông), và Đổng Chương (là một trong các tướng được Hậu Đường Trang Tông ưu ái) cát cứ nơi hiểm yếu. Khách tỉnh sứ-Tứ châu phòng ngự sứ Lý Nghiêm thỉnh xin được làm Tây Xuyên giám quân, cho rằng ông ta có thể chế ngự được Mạnh Tri Tường, do vậy An Trọng Hối bổ nhiệm Lý Nghiêm làm Tây Xuyên đô giám, bổ nhiệm Văn tư sứ Chu Hoằng Chiêu (硃弘昭) làm Đông Xuyên phó sứ.[18]

Mạnh Tri Tường biết tin Lý Nghiêm đến làm giám quân thì tức giận, trong khi bề ngoài nghênh đón Lý Nghiêm, ông lại khiển một lượng lớn binh sĩ hộ tống Lý Nghiêm đến Thành Đô, mục đích là nhằm hăm dọa Lý Nghiêm. Tuy nhiên, Lý Nghiêm không chú ý đến điều này, tiếp tục tiến đến Thành Đô. Khi Lý Nghiêm đến Thành Đô, thoạt đầu Mạnh Tri Tường hậu đãi với ông ta, song đến mùa xuân năm 927, ông công khai trách mắng Lý Nghiêm rằng người này khi trước tán thành chiến dịch chống Tiền Thục, khiến cho cả Tiền Thục và Hậu Đường diệt vong (tức Hậu Đường Trang Tông); và nay "Thiên hạ" đều bỏ chức giám quân, chỉ có mình Lý Nghiêm đến giám đội quân của ông; Lý Nghiêm sợ hãi cầu xin được thương xót, song vẫn bị Mạnh Tri Tường xử trảm. Khi hay tin Lý Nghiêm bị giết, Chu Hoằng Chiêu chạy trốn về Lạc Dương vì lo rằng mình sẽ rơi vào tình thế tương tự. Sau đó, Mạnh Tri Tường thượng biểu cho Hậu Đường Minh Tông, nói rằng Lý Nghiêm có mưu đồ đoạt lấy quân đội Tây Xuyên.[18]

Trong thời gian này, Mạnh Tri Tường cử người đi hộ tống Quỳnh Hoa trưởng công chúa và Mạnh Nhân Tán đến Tây Xuyên. Khi họ đến Phượng Tường, Phượng Tường tiết độ sứ Lý Tòng Nghiễm giữ họ lại.[18] Tuy nhiên, do muốn dùng ân huệ để khiến Mạnh Tri Tường quay lại trung thành, Hậu Đường Minh Tông lệnh để họ tiếp tục đến Thành Đô, cho Khách tỉnh sứ Lý Nhân Củ (李仁矩) hộ tống.[15][18]

Tháng 12 ÂL 927, Mạnh Tri Tường bắt 20 vạn dân đinh tu sửa tường thành Thành Đô.[19]

Trong khi đó, Mạnh Tri Tường và Đổng Chương tranh chấp với nhau về nguồn lợi từ các mỏ muối mà cả hai quân kiểm soát. Nhằm giành được lợi thế thương mại với Mạnh Tri Tường, Đổng Chương giảm giá muối Đông Xuyên, do đó thu hút các thương nhân đến Đông Xuyên mua muối, đem sang Tây Xuyên bán, giá muối Tây Xuyên vì thế cùng giảm. Năm 928, Mạnh Tri Tường cho thiết lập các trạm thu thuế trên ranh giới giữa Tây Xuyên và Đông Xuyên, đánh thuế rất nặng. Kết quả là các thương nhân không còn đến Đông Xuyên để mua muối.[19]

Tháng 6 ÂL, Hậu Đường Minh Tông hạ chiếu lệnh cho Tây Xuyên góp binh cho chiến dịch chống Kinh Nam[chú 11] tiết độ sứ Cao Quý Hưng, nhằm đoạt lại ba châu mà trước đó Hậu Đường Minh Tông giao cho Cao Quý Hưng: Quỳ châu (夔州), Vạn châu (萬州), và Trung châu (忠州), nay đều thuộc Trùng Khánh. Mạnh Tri Tường khiển Tả túc biên chí huy sứ Mao Trọng Uy (毛重威) đem 3.000 tiến đến. Sau khi quân triều đình Hậu Đường tái chiếm được ba châu, Mạnh Tri Tường lại tấu xin được phép thu binh về; Hậu Đường Minh Tông từ chối. Sau đó, Mạnh Tri Tường ngầm sai người đến chỗ Mao Trọng Uy và thuyết phục ông ta đem binh lính trở về Thành Đô. Mao Trọng Uy làm theo, và đến khi Hậu Đường Minh Tông mệnh xử tội Mao Trọng Uy, Mạnh Tri Tường thỉnh miễn tội. Ngoài ra, Mạnh Tri Tường cũng bắt đầu từ chối tuân theo lệnh của triều đình là tiếp tế lương thực cho Ninh Giang quân[chú 12] mới được thành lập, tuyên bố cần dùng chúng cho binh lính Tây Xuyên.[19]